Gợi ý một số kinh nghiệm bố trí nhà vệ sinh mà bạn cần biết
Việc bố trí nhà vệ sinh sao cho hợp lý sẽ giúp cho cuộc sống gia đình thuận tiện và thoải mái hơn. Sau đây là những kinh nghiệm bố trí nhà vệ sinh mà bạn có thể tham khảo:
Lựa chọn vị trí nhà vệ sinh và hướng đặt bồn vệ sinh
Khu vực cuối nhà hay góc cuối phía bên hông hành lang được xem là vị trí lý tưởng để đặt nhà vệ sinh. Cách bố trí này sẽ giúp bạn giúp tiết kiệm được diện tích mặt bằng sử dụng, từ đó nhường chỗ cho các không gian quan trọng hơn. Ngoài ra, nhà vệ sinh được đặt ở cuối nhà cũng giúp tránh được các trường hợp đối diện với cửa ra vào, phòng ngủ, phòng thờ, phòng bếp.
Thông thường, nhà vệ sinh sẽ được tính theo hướng đặt bồn cầu bằng cách dựa vào Bát Cung để chọn vị trí tốt và tránh vị trí xấu. Theo các chuyên gia, hướng tốt để đặt bồn cầu nhà vệ sinh là hướng sinh Thổ, cụ thể là hướng Đông Bắc hoặc Tây Nam. Khi đặt phòng theo hai hướng này sẽ không gây ảnh hưởng đến tài vận cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Phân khu chức năng phù hợp
Một phòng vệ sinh thông thường có ba khu chức năng cơ bản, đó là rửa, vệ sinh và tắm. Do đó, bạn có thể phân biệt theo khu khô (rửa và vệ sinh) và khu ướt (tắm). Tùy vào mặt bằng cụ thể và lối tiếp cận vào phòng vệ sinh mà bố trí ba khu chức năng này phù hợp trên nguyên tắc nơi sử dụng nhiều nhất và tiện cho việc đi lại
Thông thường, chủ nhà nên bố trí thiết bị gần cửa ra vào sẽ là khu vực bồn rửa mặt, bồn cầu. Khu vực này cần được giữ khô kháo để phục vụ cho các hoạt động như thay đồ, trang điểm hay vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, khu vực ướt sẽ bao gồm vòi sen hoặc bồn tắm (nếu có) sẽ phục vụ cho hoạt động tắm, giặt. Để ngăn cách khu khô với khu ướt, bạn có thể lắp đặt một tấm vách kính hay xây hẳn vách ngăn. Điều này vừa giúp tạo sự riêng tư, vừa tạo ra sự hiệu quả trong cách bố trí nhà vệ sinh.
Ảnh: Sài Gòn Express
Bố trí các thiết bị vệ sinh và phụ kiện hợp lý
Do mỗi diện tích phòng vệ sinh sẽ khác nhau nên thiết bị vệ sinh cũng được lựa chọn và có vị trí sắp xếp riêng biệt. Tuy nhiên, dù bạn có sắp xếp như thế nào cũng cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
- Khoảng cách được tối thiểu giữa các bồn rửa tay là 91,5cm
- Khoảng cách từ tâm bồn cầu đến tâm chậu rửa và đến tâm vòi sen tắm là 76cm
- Khoảng cách an toàn từ bồn cầu đến các vật dụng xung quanh là 38cm
- Khoảng cách từ vị trí đặt bồn cầu đến tâm nhà vệ sinh ít nhất 53cm
- Khoảng không gian đặt vòi sen tắm ít nhất là 91,5x91,5cm và cửa luôn mở ra ngoài
Đây đều là khoảng cách không gian tối thiểu giữa các vật dụng để đảm bảo công năng sử dụng. Tất cả các chỉ số đo trên đều được tính ở vị trí tâm của mỗi vật dụng. Ngoài ra, việc bố trí nguồn điện đúng vị trí và tiêu chuẩn cũng giúp đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình:
- Khoảng cách từ nguồn điện đến nguồn nước ít nhất là 15,2cm
- Khoảng cách từ ổ cắm đến bồn rửa mặt ít nhất là 91,5cm (được tính từ cạnh của kệ nếu có khoảng trống hoặc tủ mép bồn nếu có bệ chân)
- Hệ thống điện cần thiết kế ngầm và không đi vào khu vực ẩm ướt
- Bình nóng lạnh cần có dây điện nối đất và cần có aptomat riêng
- Mỗi phòng vệ sinh phải có ít nhất một công tắc đèn trên tường ngay lối vào
Ảnh: BRAVAT
Đảm bảo khả năng chống thấm và thoát nước
Tính chất nhà vệ sinh là thường xuyên ẩm ướt, chính vì vậy, chủ nhà cần phải quan tâm đến hai yếu tố là khả năng chống thấm và đường thoát nước của sàn nhà vệ sinh.
Để đạt yêu cầu chống thấm nước tốt, tường và sàn nhà vệ sinh cần phải làm từ vật liệu cách nước tốt, bao gồm xi măng, cát, gạch xi măng, gạch gốm men sứ,… Nếu sàn nhà được làm từ xi măng và cát, chủ nhà cần thi công sàn làm hai lớp, lớp dưới dày 2cm, sau khi se mặt rồi mới làm lớp trên bằng vữa xi măng và cát vàng tỉ lệ 1:2 hoặc 1:3 (theo thể tích). Bạn có thể tăng tính chống thấm cho sàn bằng cách pha trộn thêm theo trọng lượng của xi măng các chất phụ gia chống thấm như natri aluminat, sắt clorua,...
Đối với việc chống ứ nước, sàn nhà vệ sinh nên có độ dốc dao động trong khoảng 3 – 5 độ nghiêng về phía miệng cống thoát nước. Hơn nữa, sàn cần được làm thấp hơn so với sàn nhà từ 5 - 10cm để tránh hiện tượng nước thoát không kịp làm tràn lên sàn nhà, gây mất vệ sinh.
Đồng thời, vật liệu sử dụng làm mặt sàn cần phải là loại chống trơn, trượt. Bên cạnh đó, tường nhà vệ sinh phải có biện pháp chống thấm bằng ốp gạch để ngăn hiện tượng tường bị ngấm, ố mốc hay hoen bẩn.
Để tâm đến yếu tố chiếu sáng và thông gió
Chiếu sáng và thông gió cũng là hai yếu tố quan trọng khi bố trí nhà vệ sinh. Đối với việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng, bạn cần lắp một đến hai bóng đèn phía sát với trần hoặc trên trần nhà, đủ để đem lại một lượng ánh sáng vừa đủ, dễ chịu. Lưu ý, bạn không nên sử dụng quá nhiều đèn trong không gian hẹp, việc ánh sáng đèn quá chói sẽ gây cảm giác bí bách, không thoải mái, tự nhiên.
Lưu ý, đèn điện nên được đặt trong một hộp nhựa trong suốt. Việc làm này giúp bảo vệ đồ điện, tránh tiếp xúc với nước và hơi nước.
Bên cạnh đó, nếu muốn không gian thông thoáng nhất thì việc lắp đặt hệ thống thông gió là điều vô cùng cần thiết, giúp hút mùi và tạo ra không gian thông thoáng cho nhu cầu vệ sinh cá nhân. Nếu không lắp đặt hệ thống thông gió, chủ nhà cần làm một đến hai cửa sổ, vừa tận dụng được ánh sáng tự nhiên, vừa điều hòa được không khí trong nhà vệ sinh.
Ảnh: Phương Linh
Trên đây là những thông tin về kinh nghiệm bố trí nhà vệ sinh mà bạn có thể tham khảo và áp dụng, giúp cho việc bố trí, sắp xếp nhà vệ sinh trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.